Là một loại thực phẩm phổ biến và được nhiều người ưa thích nhưng chắc hẳn không phải ai cũng biết được, để trồng khoai lang cũng phải trải qua rất nhiều quy trình, dù nó không quá phức tạp.
Nếu có ý định trồng khoai lang, nên lưu ý đến một số yếu tố sau:
Thời vụ
Khoai lang thích hợp trồng vụ Đông Xuân, dao động trong khoảng thời gian từ 15/9 – đến 25/9. Thời điểm muộn nhất để trồng được khuyến cáo là 05/10. Nếu trồng khoai lang càng sớm thì chúng càng cho năng suất cao.
Giống khoai lang
KL20-209 và giống Hoàng Long là 2 giống khoai lang được nhiều bà con lựa chọn trồng. Cụ thể:
Giống khoai lang KL20-209: Loại khoai này cho thân củ dài, ngoài vỏ màu đỏ, trong ruột có màu vàng. Củ ngon và thích hợp cả ăn sống hay chế biến. Thời gian sinh trưởng của giống khoai này là 100 – 110 ngày (vụ đông). Không chỉ có khả năng phát triển và sinh trưởng tốt, giống khoai này còn có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, chậm thoái hóa giống. Năng suất trung bình dự kiến của giống khoai này khoảng 14 -17 tấn / ha.
Giống khoai lang Hoàng Long: Vỏ củ có màu hồng nhạt, ruột vàng hơn và độ ngon trung bình. Thời gian sinh trưởng ngắn hơn, kéo dài khoảng 95 – 100 ngày sẽ giúp người trồng rút ngắn ngày thu hoạch. Về năng suất, giống khoai này cho khoảng 8-10 tấn/ha.
Cách trồng khoai lang
Khoai lang có thể trồng bằng củ hoặc dây.
Nhân giống bằng củ
Các củ khoai này sẽ được chọn từ vụ đông của năm trước. Theo đó, kinh nghiệm lựa khoai giống là chọn từ khóm khoai có củ đều, nhiều củ và củ ra tập trung ở một số mắt. Nên chọn củ bánh tẻ và cây không bị sâu bệnh.
Củ giống cần được bảo quản nơi khô ráo thoáng mát. Tránh ánh nắng trực tiếp. Đến khi cây có mầm thì đem ra trồng.
Nhân giống bằng dây
Những dây khoai khoảng 45 – 75 ngày tuổi có phần thân dây to mập sẽ là lựa chọn tốt nhất cho việc nhân giống bằng dây.
Hãy cắt những đoạn dây ngắn khoảng 25-30cm, có đốt ngắn, lá khỏe. Đặc biệt, đoạn dây giống này phải chưa có rễ, chưa có hoa và không bị sâu bệnh. Việc cắt dây nên được thực hiện vào buổi chiều. Trước khi trồng 1 ngày, nhớ rải mỏng dây nơi thoáng mát.
Kỹ thuật trồng khoai lang
Giống rất quan trọng, nhưng để củ có thể to và ngọt thì phần lớn nhờ công chăm sóc. Dưới đây là những lưu ý khi trồng khoai lang để có năng suất tốt.
Làm đất
Cần lựa chọn những khu đất có thành phần cơ giới nhẹ, gần nguồn nước, thuận lợi cho việc tưới tiêu.
Đất cần được làm kỹ, tơi xốp. Cỏ cũng như các tác nhân phá hoại như chuột hoặc rắn cần được loại bỏ.
Làm luống khoai dọc theo chiều dốc của ruộng với độ rộng khoảng 1,2 – 1,5m (tính cả rãnh), cao khoảng 35-40cm.
Trồng khoai lang
Trồng bằng dây:
Bạn tiến hành rạch 1 đường chính giữa luống có độ sâu khoảng 10-15cm rồi bón một lớp phân lót mỏng, phủ một lớp đất nhẹ lên trên, sau đó mới đặt dây vào.
Bạn nên trồng khoai theo hàng đơn với mật độ khoảng 3-4 khóm/m2 và vùi dây giống dọc theo chiều dài luống. Dây nối đuôi dây và song song với mặt luống.
Trồng bằng củ:
Cần thực hiện cắt củ khoai thành những miếng nhỏ có chiều dầy 2,5 – 3cm, sau đó chấm nước xi măng và để khoảng 2-3 ngày cho vết cắt khô miệng mới đem trồng.
Sau khi rạch một đường chính ở luống đất, bạn đặt miếng khoai giống có mầm hướng lên trên, mật độ khoảng 40x40cm rồi phủ một lớp đất mỏng lên phía trên.
Để đảm bảo độ ẩm cho khoai phát triển, cần tưới nước dưới rạch hố trồng. Trồng xong, lấp đất, tiếp tục tưới lại 1 lượt.
Chăm sóc khoai lang
Kiểm tra và dặm những dây bị chết sau khoảng 1 tuần trồng để bảo đảm mật độ cây.
Xới xáo đất, làm cỏ và tiến hành bón thúc lần 1 sau khoảng 20 – 25 ngày trồng.
Xới xáo đất, làm cỏ và bón thúc lần 2 sau khoảng 40-45 ngày sau khi trồng.
Tiến hành bấm ngọn khi dây phát triển dài khoảng 40-45cm, chỉ chừa lại phần thân chính với 4-5 mắt.
Vun xới cao luống và phủ đất kín gốc cây để cho củ phát triển và hạn chế sự đẻ trứng của bọ hà.
Nhấc dây thường xuyên để hạn chế sự phát triển của rễ phụ. Việc nhấc dây cần nhẹ nhàng và thực hiện khoảng 1 tháng / lần.
Bón phân cho khoai lang
Hoạt động này giúp khoai phát triển tốt, cho củ to. Theo đó, với 1 sào bắc bộ (360m2), nên sử dụng 300-400 kg phân chuồng. Nếu không có thì thay bằng 50kg/ phân hữu cơ vi sinh. Ngoài ra, cần 6kg đạm ure, 10kg phân lân supervà 8g phân kali.
3 giai đoạn bón phân:
Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân sẽ bón vào giai đoạn này. Ngoài ra, sử dụng 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali.
Bón thúc đợt 1: Sau khi trồng khoảng 20-30 ngày, bạn bón hết lượng đạm và 1/3 lượng kali.
Bón thúc đợt 2: Sau khi trồng khoảng 40-45 ngày, bón hết lượng phân còn lại.
Sâu bệnh gây hại khoai lang
Có 2 loại bệnh phổ biến nhất ở khoai lang là Bọ Hà và Bệnh Ghẻ. Việc thăm ruộng thường xuyên là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm bênh, đưa ra biện pháp phòng trừ.
Đối với bọ Hà, khi phát hiện biểu hiện bệnh trên thân và củ, cần sử dụng đất vun cao, lấp kín gốc để hạn chế bọ hà đẻ trứng.
Thu hoạch và bảo quản
Thời điểm phần gốc khoai lang ngả màu vàng, củ kiểm tra vỏ sẽ nhẵn và có ít nhựa cũng là lúc thu hoạch được khoai. Việc thu hoạch nên được tiến hành vào những ngày trời nắng ráo. Quá trình thu khoai cần hạn chế làm xây xước củ để có thể bảo quản được lâu.
Cất khoai lang trong kho lạnh hoặc xếp củ dựng đứng thành 1 hoặc 2 lớp, để nơi khô ráo thoáng mát và không có ánh nắng mặt trời cũng giúp bảo quản khoai lang được lâu hơn.