Bên cạnh lúa là loại cây lương thực chính cung cấp tinh bột cho con người thì ngô cũng là một trong những cây trồng nông nghiệp quan trọng trọng ở nước ta. Để đạt được năng suất và chất lượng cao nhất khi trồng loại cây này, chúng tôi xin giới thiệu đến bà con các kỹ thuật trồng và chăm sóc, có thể áp dụng ở nhiều nơi trên quy mô lớn.
- Xác định thời vụ trồng
Dựa vào điều kiện thời tiết của từng năm, khí hậu ở từng vùng, người trồng có thể xác định thời gian gieo trồng thích hợp.
Thông thường có 3 vụ: Vụ đông xuân ( tháng 11 đến tháng 12 ), vụ hè thu ( tháng 4 đến tháng 5 ), vụ thu đông ( tháng 7 đến tháng 8 )
- Lựa chọn giống phù hợp
– Đối với vụ đông xuân: với lợi thế về đất đai và khí hậu, người trồng có thể sử dụng một số giống dài ngày như: LVN 10, DK 5252, T7, DK 414,…
– Đối với vụ hè thu và thu đông: Bà con nên dùng những giống có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 100 ngày) như: C 919, CP 989, LVN 61,…
Ngoài ra, trong khâu lựa chọn giống, bà con cần phải chú ý các đặc điểm sau: giống cho ra cây con có bộ rễ dài khỏe, có khả năng chịu hạn, lạnh và chống lại nhiều loại sâu bệnh tốt.
- Lựa chọn đất trồng và làm đất
Để sản xuất hiệu quả, bà con nên lựa chọn những mảnh đất có tầng canh tác dày, khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt.
Trước khi trồng, đất cần được làm sạch cỏ dại, cày bừa tơi xốp và thoáng khí, tạo điều kiện cho hạt giống nhanh nảy mầm và cây con sinh trưởng tốt hơn.
- Số lượng giống, mật độ và kỹ thuật gieo trồng
– Số lượng: Với mỗi hecta, người trồng có thể sử dụng từ 16-17kg cho vụ hè thu và thu đông, còn 18 – 20 kg cho vụ đông xuân. Lưu ý: kích thước và chất lượng hạt phải đồng đều nhau.
– Mật độ gieo trồng:
Theo nghiên cứu của các chuyên gia nông nghiệp, mật độ gieo trong từng vụ như sau:
+ Đối với vụ hè thu và thu đông: mật độ trồng từ 66.000 – 71.000cây/ha, khoảng cách giữa các hàng là 50 – 60 cm, giữa các gốc cây là 25 – 27 cm
+ Đối với vụ đông xuân: mật độ trồng dày hơn từ 80.000 – 90.000 cây/ha, khoảng cách giữa các hàng khoảng 50 cm, giữa các gốc cây là 22 – 25 cm
– Kỹ thuật gieo trồng:
Trên thực tế có nhiều hình thức gieo khác nhau nhưng thông thường bà con nông dân hay sử dụng hai cách dưới đây:
+ Gieo trực tiếp trên luống đất: gieo mỗi gốc 1 hạt, độ sâu lấp hạt thông thường 3 – 5cm.
+ Gieo trong bầu hoặc khay: khi ngô đạt từ 2 – 3 lá sẽ đưa ra ngoài ruộng trồng. Tuy nhiên cách này không được dùng phổ biến vì nó tốn khá nhiều công sức và thời gian.
- Số lượng phân bón và cách bón
Số lượng phân bón: Tương ứng với diện tích 1 ha ( 10.000m2), người trồng có thể sử dụng số lượng được khuyến cao như sau: 10 tấn phân chuồng ( hoặc phân hữu cơ vi sinh), 1 tấn vôi bột, 300 – 340kg phân đạm urê, 400 – 500 kg phân lân, 140 – 200kg phân kali.
Cách thức bón phân: Trải qua hai công đoạn bón lót và bón thúc
– Bón lót: Trước khi gieo hạt từ 8 – 10 ngày, người trồng cần phải rắc đều vôi trên mặt đất. Sau đó sử dụng Phân chuồng, phân lân bón và lấp kín vào các hàng rạch rồi mới gieo hạt.
– Bón thúc:
+ Từ 10 – 12 ngày sau gieo : Bón 100kg urê, kết hợp làm cỏ, xới và vun luống nhẹ.
+ Từ 20 – 25 ngày sau gieo: Sử dụng 100 – 120kg urê + 60 – 80kg kali bón kết hợp với làm cỏ, xới và vun cao luống.
+ Từ 45 – 50 ngày sau gieo: Dùng 100 – 120kg urê + 80 – 120kg kali còn lại để bón kết hợp làm cỏ, vét rãnh, vun cao luống và gốc ngô lai để thuận tiện cho việc tưới tiêu, đồng thời giúp cây không bị gãy đổ và chống hạn cho cây.
- Phương pháp tưới nước
Mặc dù ngô là giống cây ưa nước nhưng lại không có khả năng chịu ngập úng và khô hạn. Bởi vậy, người trồng cần đảm bảo đủ độ ẩm cho cây, đặc biệt giai đoạn trổ cờ phun râu. Để tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất, bà con nên áp dụng biện pháp tưới thấm theo rãnh.
- Rút, tỉa cây
Trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển, người trồng sử dụng biện pháp rút cờ, thụ phấn nhằm giúp cây khỏe mạnh cho hạt ngô to nhiều, tăng năng suất. Khi cờ mới nhú ra thì có thể rút 10 – 15% số cây.
- Phòng trừ sâu bệnh hại ngô
Nhiều loại sâu, bệnh hại thường gặp trên cây ngô như: sâu xám, sâu đục thân, rệp cờ, bệnh khô vằn, đốm lá, thối rễ,…Chính vì vậy, trong quá trình trồng và chăm sóc, bà con nông dân phải thường xuyên chú ý theo dõi để có thể phát hiện và xử lý sớm các loại sâu bệnh có hại cho cây.
- Thu hoạch và bảo quản
– Thu hoạch: Công đoạn này phải được ưu tiên tiến hành kịp thời. Khi ngô trên ruộng đã chín hoàn toàn, ẩm độ hạt 28-32% (vỏ chuyển khô) là lúc người dân có thể thu hoạch. Lưu ý nên chọn các ngày nắng ráo để thu hoạch.
– Bảo quản: Phơi hoặc sấy khô đến khi độ ẩm bắp ngô chỉ còn 14-15% thì đóng vào bao. Để giữ được lâu, bà con cần phải cất trữ nơi khô ráo, thoáng mát, đề phòng chuột hoặc mối mọt xâm hại.