Phân bón hữu cơ là loại phân được hình thành từ phân, chất thải gia súc, gia cầm, tàn dư thân, lá cây,phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ từ chất thải sinh hoạt, nhà bếp, từ các nhà máy sản xuất thủy, hải sản,… và có chứa các chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng ở dưới dạng những hợp chất hữu cơ, được dùng trong sản xuất nông nghiệp.
Phân bón hữu cơ bằng việc bổ sung các chất mùn, chất hưu cơ, các loại vi sinh vật cho đất đai và cây trồng từ đó giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất.
Phân bón hữu cơ được phân thành 2 nhóm chính:
+ Phân bón hữu cơ truyên thống như phân chuồng, phân xanh, phân rác,…. là loại phân được tạo ra từ phương pháp ủ truyền thống với các nguyên liệu như phân gia cầm, gia súc, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông – lâm – thủy sản, rác thải, phân xanh.
+Phân bón hữu cơ công nghiệp như phân bón hữu cơ sinh học, phân hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón vi sinh và phân bón hưu cơ khoáng.
Phân hữu cơ sinh học: Là loại phân mà nguồn nguyên liệu hữu cơ được xử lý và lên men theo một quy trình công nghiệp với sự tham gia của một hay nhiều chủng vi sinh vật.
Phân hữu cơ vi sinh: Có nguồn nguyên liệu và quy trình công nghiệp như phân hữu cơ sinh học nhưng có một hoặc nhiều chủng vi sinh vật vẫn còn sống và sẽ hoạt động khi được bón vào đất.
Phân hữu cơ khoáng: Là phân hữu cơ sinh học được trộn thêm phân vô cơ. Thành phần chất hữu cơ trong phân hữu cơ phải đạt 22% trở lên, trong phân hữu cơ khoáng phải đạt 15% trở lên.
Phân vi sinh là gì?
Phân vi sinh hay còn gọi là phân bón vi sinh là những chế phẩm chứa các chủng vi sinh vật đã được tuyển chọn phù hợp với những tiêu chuẩn kỹ thuật mà các vi sinh vật được sử dụng làm chế phẩm sinh học. Phân vi sinh vật thường chỉ phát huy tác dụng trong những điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp. Thường chúng phát huy tốt ở các chân đất cao, đối với các loại cây trồng cạn.
Phân vi sinh được nhiều người sử dụng vì bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu đến thực vật, chất lượng cây trồng, môi trường sinh thái và kể cả con người. Cơ chế của loại phân bón vi sinh này khá đơn giản, khi được bổ sung vào đất trồng trọt thì các vi sinh vật sẽ hoạt động và sản sinh ra các chất dinh dưỡng mà cây trồng có thể hấp thụ như N, P, K, nguyên tố vi lượng,… hoặc là các hoạt chất sinh học có khả năng phòng trừ sâu bệnh, giúp cải tạo đất nâng cao năng suất cây trồng.
Hiện nay có rất nhiều loại phân bón vi sinh trên thị trường: Phân bón vi sinh vật (PBVSV) cố định đạm;PBVSV phân giải lân; PBVSV phân giải chất hữu cơ; PBVSV kích thích tăng trưởng thực vật; PBVSV phân giải silicat,… tùy thuộc vào mục đích và nhu cầu sử dụng cho từng loại cây trồng mà có thể chọn các loại phù hợp.
Phân vi sinh vật sản xuất ở nước ta thường có dạng bột màu nâu, đen, vì phần lớn các nơi sản xuất đã dùng than bùn làm chất độn, chất mang vi khuẩn. Các chế phẩm vi sinh vật sản xuất trong nước thường không cất giữ được lâu. Thường sau từ 1 đến 6 tháng hoạt tính của các vi sinh vật trong chế phẩm giảm mạnh. Vì vậy, khi sử dụng cần xem kỹ ngày sản xuất và thời gian sử dụng được ghi trên bao bì.
Khi bón cần chú ý đến độ ẩm của đất và hạn chế sử dụng phân bón hóa học để phân vi sinh phát huy hiệu quả tốt nhất. Người ta cũng có thể sử dụng một số loại phân bón vi sinh như là phân bón lá để kết hợp với phân bón qua rễ, nhằm cung cấp một số chất dinh dưỡng cho cây trồng mà phân bón qua rễ không có.
Chế phẩm vi sinh vật là một vật liệu sống, vì vậy nếu cất giữ trong điều kiện nhiệt độ cao hơn 30oC hoặc ở nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào, thì một số vi sinh vật bị chết. Do đó hiệu quả của chế phẩm bị giảm sút. Cần cất giữ phân vi sinh vật ở nơi mát và không bị ánh nắng chiếu vào.
Phân bón hóa học là gì
Phân bón hóa học hay còn gọi là phân vô cơ là loại phân được tạo ra từ các loại hóa chất có chứa những chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng như: N,K,Ca,Zn,Mg,…
Phân bón hóa học có 3 loại là phân đạm, phân lân và phân kali. Phân bón hóa học có ưu điểm là hấp thụ nhanh trong đất, góp phần tăng độ phì nhiêu cho đất, kích thích cây phát triển nhanh có rễ, hoa.
Nhưng nếu sử dụng phân hóa học trong thời gian dài sẽ khiến đất bị chai cứng, mất cân bằng sinh học do đất bị tích tụ một số kim loại. Mặt khác, do tính dễ hòa tan trong nước nên đối với đất trồng gần ao hồ, nếu phân ngấm xuống nước sẽ gây ô nhiễm nguồn nước.
Nếu sử dụng bừa bãi phân hóa học sẽ vô tình làm chết các loài thiên địch tốt trong đất. Điều này sẽ không tốt cho cây trồng của chúng ta. Cây trồng sẽ đứng trước nguy cơ sự xâm nhập của sâu, bệnh hại mà không thể phát hiện kịp thời.
Mặt khác, dư lượng chất hóa học còn giữ lại trong nông sản sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.