Khoai sọ được đánh giá là cây lương thực cho giá trị kinh tế cao. Để có thể tạo ra năng suất tốt cho khoai sọ, cần phải có kĩ thuật.
Khoai sọ có thể dùng để ăn tươi hoặc chế biến thành nhiều loại sản phẩm nông sản khác nhau. Có thể nói, đây là một trong những thực phẩm gần gũi và đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Nhiều người đã lựa chọn giống cây này để trồng, kinh doanh ra thị trường. Vậy, việc trồng khoai sọ có điều gì cần lưu ý?
Chọn giống khoai sọ
Thông thường, lời khuyên khi chọn giống khoai sọ là chọn những củ giống tốt, loại củ nhỏ cấp 1 hoặc cấp 2 có khối lượng khoảng 20 – 30gr/củ. Những củ này không bị dập nát, thối và có lớp vỏ ngoài nhiều lông. Cũng cần lưu ý chọn mảnh củ giống có mầm to bằng hạt đậu đen, kèm theo vài sợi rễ ngắn khoảng 0,5-1 cm.
Trồng khoai sọ
Có 2 phương pháp nhân giống khoai sọ để gieo trồng, cụ thể:
Phương pháp 1: Cắt củ cái thành những mảnh củ theo chiều ngang củ hoặc cắt các mảnh nhỏ với kích thước 2 x 2 x 2 cm. Các mảnh này khi đã có mầm sẽ đem ủ hoặc giâm đến khi lên cây chồi, ra rễ thì đem trồng.
Phương pháp 2: Phương pháp này là nhân giống dòng, giống từ mô phân sinh, thường cho hiệu quả tương đối cao. Phương pháp này rất phù hợp để phục tráng và làm sạch mầm bệnh của các dòng, giống khoai sọ bị thoái hoá hoặc bị nhiễm bệnh.
Làm đất
Đất trồng khoai sọ phải là loại đất tơi xốp, nhiều mùn, nhiều chất dinh dưỡng bởi chúng có bộ rễ ăn nông. Vì thế, quá trình làm đất cần phải cày bừa kỹ cũng như nhặt sạch cỏ. Nếu bạn trồng khoai sọ trên ruộng nước thì phải làm đất thật nhuyễn. Trong khi đó, nếu trồng khoai trên ruộng cạn, bạn cần lên luống rộng 1m, cao 20 – 30cm, rãnh luống 30cm. Do đó, tuỳ thuộc vào kiểu trồng trọt trên ruộng cạn hay ruộng ngập nước, bạn hãy điều chính để có cách làm đất phù hợp.
Trồng và chăm sóc cây khoai sọ
Trước khi trồng 1 ngày nên phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm để hạn chế cỏ mọc, hạn chế mầm mống sâu bệnh.
Khoảng cách hợp lý để trồng khoai sọ là cách nhau từ 30-40cm. Nếu bạn làm luống đôi, nhớ giữ khoảng cách giữa các hàng là khoảng 60cm.
Sau khi xác định khoảng cách phù hợp, bạn hãy trộn đều phân với đất rồi cho mầm cây vào trồng thấp hơn mặt đất khoảng 3-4cm. Để giữ độ ẩm cho đất, sau khi trồng hãy phủ một lớp mỏng rơm rạ dày khoảng 7-10cm lên mặt đất và tưới nhẹ.
Tưới nước:
Những ngày đầu sau trồng cần
Tưới nước 1 lần/ngày sau khi trồng. Đến khi khoai phát triển cao, bạn có thể chuyển sang tưới rãnh nhưng tuyệt đối không nên tưới ngập mặt luống.
Bón phân
Năng suất của khoai sọ cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào việc bón phân. Bởi vậy, cần đặc biệt chú ý đến giai đoạn này. Sau khi bón lót, cần bón thúc để đảm bảo sự phát triển của cây.
Thu hoạch
Cần hạn chế tưới nước và ngừng hẳn để củ chuyển hóa tinh bột hoàn toàn ở giai đoạn trước khi thu hoạch từ 1-2 tháng. Ngoài ra, cũng đặc biệt chú ý phát hiện một số dịch hại như rệp, nhện đỏ và bệnh thối củ do nấm gây nên để kịp thời phòng trừ.
Thời điểm cây khoai sọ héo rũ, các tàu lá đã lụi dần, đất ở gốc cây nứt nẻ nhiều, có phần củ khoai sọ chồi lên mặt đất thì cũng là lúc có thể tiến hành thu hoạch.
Cần tách củ và phân loại khoai sọ theo kích cỡ để tiêu thụ hoặc để làm giống. Việc bảo quản khoai thương phẩm và khoai giống nên được để ở nơi thoáng mát, cao ráo, tránh ảnh hưởng đến chất lượng.