Trồng và chăm sóc tỏi trở nên rất đơn giản nếu như bạn nắm được những kỹ thuật đơn giản sau.
Tỏi có thân hình nhỏ, có củ, cao khoảng 60 cm, gồm nhiều múi tỏi (tép tỏi), lá phẳng mỏng, hoa trắng hoặc hồng có củ. Tỏi có khả năng chịu lạnh và ưa nhiêt độ mát, cây chịu hạn kém và không chịu được úng.
Trồng tỏi vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn các loại rau ăn lá khác. Trung bình, trồng tỏi sẽ đạt từ 8-10 tấn củ khô/ha.
Giống tỏi
Tỏi giống khá đa dạng và được trồng ở nhiều nơi khác nhau. Các tỉnh miền núi phía Bắc thường trồng tỏi gié, tỏi trâu. Trong khi đó, các vùng tỏi chuyên canh như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc… lại thường trồng 2 giống tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc là tỏi trắng và tỏi tía. Ở các tỉnh duyên hải miền Trung lại trồng tỏi tây. Bởi vậy, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết từng địa phương mà lựa chọn giống tỏi cho phù hợp.
Mỗi ha cần 1 tấn tỏi giống (37kg/sào Bắc Bộ).
Thời vụ
Ở đồng bằng sông Hồng, tỏi trồng luân canh giữa 2 vụ lúa nên thường trồng trong khoảng từ 25.9 – 5.10 và thu hoạch 30.1-5.2. Riêng khu vực miền Trung, tỏi được trồng vào tháng 9-10 và thu hoạch vào tháng 1-2.
Làm đất
Để trồng tỏi, cần làm luống rộng 1,2-1,5m, rãnh 0,3m. Mỗi luống trồng 5-6 hàng, khoảng cách hàng 20cm. Đất trồng cần phải được làm kỹ và lên luống ngay sau khi gặt xong lúa, tránh gặp mưa.
Thông thường, trước khi trồng tỏi, người dân cần bồi thêm 1 lớp đất thịt. Lớp đất này có nhiệm vụ nuôi bộ rễ và bổ sung cho cây tỏi một số vi lượng. Sau đó rải 1 lớp phân chuồng, phả lên 1 lớp cát (lớp cát đá vôi được lấy từ biển trộn lẫn san hô vỡ vụn ở trên mặt tạo độ xốp giúp cho củ tỏi phát triển, nở to), rồi mới tiến hành trồng tỏi.
Khi trồng, giữ khoảng cách trồng mỗi nhánh 8-10cm. Trồng xong, dùng rơm rạ băm nhỏ phủ một lớp dày 5cm để giữ ẩm và hạn chế cỏ mọc.
Bón phân (tính cho 1ha đất trồng tỏi)
Thông thường, việc bón lót cần được thực hiện trước khi trồng. Với tỏi, cần bón lót theo công thức: Phân chuồng 15.000 -20.000kg kết hợp với NPK-S 5.10.3-8: bón 660-720kg. Nếu đất chua, cần bón thêm 500kg vôi bột.
Sau đó, tiến hành 3 lần bón thúc theo từng đợt. Đợt 1, sau trồng 14-21 ngày, đợt 2 khoảng 20-25 ngày và đợt 3 khoảng 15-20 ngày.
Chăm sóc
Sau khi trồng tỏi, tưới nước đều đến khi cây mọc. Khi cây 3-4 lá thật, việc tưới nước cần giảm dần. Tuy nhiên, cả thời gian sinh trưởng của tỏi, chỉ tiến hành tưới 4-5 lần.
Sâu bệnh
Phun định kỳ dung dịch Boócđô 1%, gồm: 1 kg phèn xanh, 1 kg vôi cục, 100 lít nước lã hoặc Zineb 80%, hoặc Ziram 90% pha 2 – 4 phần nghìn và phun với lượng 18 – 20 lít/sào là một trong những giải pháp nên áp dụng trước khi phát hiện bệnh.
Những ngày có sương nên tưới rửa sương cho cây hoặc rắc tro bếp để đề phòng sâu bệnh.
Bệnh sương mai (peronospora destructor unger), bệnh than đen (urocystis cepula porost) là một số bệnh rất hay gặp khi trồng tỏi. Nếu phát hiện tỏi dính bệnh than đen, cần cách ly những củ bị bệnh rồi dùng Zineb 80% phun trừ.
Thu hoạch
Sau khi trồng 125 – 130 ngày, tỏi già là có thể thu hoạch. Khi chúng già sẽ có các biểu hiện tàn lá gốc, chóp các lá phía trên bắt đầu khô. Lúc đó, tiến hành nhổ củ, giũ sạch đất bó thành chùm, treo trên dây ở chỗ thoáng để bảo quản. Có thể cho vào kho hoặc để trên giàn nhiều tầng.
Chọn những củ giống đường kính 3,5 – 4cm, có 10 – 12 nhánh, không bị bệnh để riêng, bó thành bó nhỏ treo nơi thoáng mát. Đặc biệt, củ giống phải có thời gian sinh trưởng trên 140 ngày.