Mỗi dịp tết đến xuân về, bên cạnh những mâm ngũ quả đầy màu sắc thì đào là loài hoa không thể thiếu trong mọi gia đình. Thú chơi đào không chỉ là một phong tục mang nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam mà loại cây này còn mang lại nguồn giá trị kinh tế rất cao.
Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết tới bà con về kỹ thuật trồng và chăm sóc giúp cây đào ra hoa vào đúng dịp tết.
Kỹ thuật trồng cây đào cảnh
Để trồng đào ra hoa vào đúng thời điểm, người trồng cần phải nắm chắc những kỹ thuật sau đây:
- Xác định thời vụ trồng thích hợp
Đào có thể trồng nhiều vụ trong năm, tuy nhiên thời điểm tốt nhất để cây đào đâm chồi nảy lộc là vào vụ xuân ( khoảng từ tháng 1 đến tháng 2 âm lịch)
- Tiêu chuẩn giống cây trồng
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều giống đào khác nhau như: đào bích, đào phai, đào trắng, đào thế,… Dù chọn loại nào thì người trồng cần phải lưu ý những đặc điểm sau:
– Cây khỏe mạnh, thân to, tán rộng và không có biểu hiện của sâu bệnh.
– Hình dáng cây cân đối, có chiều cao khoảng 60 – 80cm, đường kính gốc 2 – 3cm.
- Điều kiện đất trồng
Để cây đào phát triển tốt, cho ra hoa cánh to và đẹp, bà con cần lưu ý chọn những mảnh đất trồng ở nơi cao ráo, thoáng đãng, chủ động nước tưới khi gặp khô hạn và có khả năng thoát nước khi gặp mưa ngập úng bởi đào là giống cây không chịu được ngập úng.
– Những loại đất phù hợp nhất để trồng là: đất Feralit đỏ vàng, đất thịt nặng hoặc đất thịt pha cát, có độ pH 7 – 8
– Làm đất tơi xốp thật kỹ trước khi trồng, đánh luống rộng khoảng 70 đến 80cm, cao khoảng 25 – 30 cm), đồng thời tạo rãnh để thoát nước.
- Xác định khoảng cách và mật độ trồng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, người trồng sẽ có những cách phân bố mật độ thích hợp
– Nếu trồng đào thu hoạch hàng năm để chơi cả cây thì khoảng cách trồng là 1,5 x 1,2m/cây (hàng cách hàng 1,5m, cây cách cây 1,2m).
– Nếu trồng đào thu hoạch trong 2 – 3 năm để khách mua chơi thế, dáng thì khoảng cách trồng thưa hơn là 2,0 x 2,0m/cây ( hàng cách hàng 2,0m, cây cách cây 2,0m).
- Cách trồng
Trước tiên cần đào hố lấp đất trước( hố cần lớn hơn bầu cây một chút ở giữa), sau đó đặt thẳng cây xuống rồi lấy ngay phần đất vừa đào lên lấp lại cho kín và nén nhẹ nhàng.
Khi trồng cây đào cảnh, bà con chỉ cần trồng nông vừa bằng cổ rễ. Đồng thời kết hợp xới xáo để đất luôn tơi xốp, tránh cây bị nghẹt rễ, nên trồng so le với nhau để tận dụng tốt nhất ánh sáng và thường xuyên chủ động tưới đủ độ ẩm cho đến khi cây ra lá non.
Kỹ thuật chăm sóc cây đào cảnh
1.Tưới nước
– Để cây không bị rơi vào tình trạng thối rễ thì trong khoảng 15 – 20 ngày đầu sau khi trồng, đất phải đạt độ ẩm từ 70 – 80%. Thời điểm này, bà con lưu ý bổ sung đầy đủ nước cho cây.
– Từ 20 ngày trở đi, người trồng có thể tưới nước với tần suất từ 3 – 5 ngày/1 lần, tùy vào thời tiết và độ ẩm của đất lúc đó.
- Bón phân cho cây
Sau khi trồng đến khoảng giữa tháng 7 ( âm lịch), bà con cần phải thường xuyên bón thúc cho cây nhanh phát triển, sau đó chuyển sang giai đoạn bón khác.
Tiếp đó cứ khoảng 15 – 20 ngày thì tiến hành bón thúc một lần. Người trồng có thể hòa phân vào nước rồi tưới vào gốc cây hoặc rạch các lớp, rắc phân đều xung quanh và lấp đất.
- Cắt tỉa, tạo hình dáng cho cây
Kỹ thuật này vừa có tác dụng điều khiển sự phát triển của cây, vừa tạo ra bộ tán cây thông thoáng giúp hạn chế sâu bệnh. Đồng thời có thể tạo ra những dáng đào đẹp như ý muốn.
– Việc tạo dáng, thế cho cây có thể tiến hành liên tục từ 5-7 ngày/lần. Bằng cách kết hợp uốn, buộc các cành non vào với nhau hoặc tạo khung theo các thế đã được đình hình từ trước. Công đoạn này có thể tốn rất nhiều thời gian và công sức tuy nhiên những cây có dáng và thế đẹp lại mang đến giá trị kinh tế rất cao.
- Phòng trừ sâu bệnh
– Một số loại sâu hại như: rệp, nhện đỏ… có thể khắc phục bằng cách dùng Carate 2,5EC, Supracide 40ND, Ortus 5 SC, Pegasus.
– Các loại bệnh thường gặp ở cây đào như : đốm đen, phấn trắng, gỉ sắt, thán thư, đốm mắt cua, chảy gôm… Có thể dùng một số thuốc đặc trị như: Score 250ND, Anvil 5EC, Bayfidan 259 EC,…
Điều chỉnh thời gian ra hoa
Ngoài kỹ thuật trồng và chăm sóc thì yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng rất nhiều tới thời điểm ra hoa. Người trồng có thể sử dụng biện pháp thúc hoặc hãm nở trong những trường hợp sau đây:
– Vào khoảng đầu tháng 12 ( âm lịch) nếu hoa chưa nhú nụ rõ ràng cần phải tiến hành thúc nở bằng cách: Bới đất xung quanh gốc cây sâu khoảng 4 – 5cm kết hợp tưới phân và nước ấm.
– Vào giữa tuần tháng 11 (âm lịch), nếu nụ hoa đã nhú to thì áp dụng ngay biện pháp hãm nở bằng cách: Tránh cho hoa tiếp xúc với ánh nắng, không tưới thêm nước và phân bón.
Ngoài ra, bà con cần thường xuyên theo dõi tình hitnh thời tiết để đưa ra những biện pháp tốt nhất giúp cho hoa đào nở đúng dịp Tết.