Về cơ bản, cũng giống với cách trồng một số loại đậu khác như đậu tương, đậu xanh, đậu đen cũng không quá khó trồng, chỉ cần biết một vài kĩ thuật cơ bản.
Có nhiều tác dụng với sức khỏe, đậu đen trở thành thực phẩm thường xuyên được sử dụng trong các bữa ăn hằng ngày. Đặc biệt, cách trồng đậu đen thương phẩm không khó. Dưới đây là những lưu ý khi trồng cây đậu đen để cây phát triển tốt, cho năng suất cao:
Thời vụ
Đậu đen có thể trồng vào bất kỳ tháng nào trong năm nhưng tháng 2, tháng 6, tháng 11, tháng 12 là thời điểm rất thích hợp nhất để trồng loại cây này.
Lựa hạt giống
Đối với đỗ đen, chọn hạt giống nên chọn những hạt to, chắc, mẩy, bóng, vỏ mịn, không bị xước và hạt đều sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh. Nếu đạt những điều kiện trên thường tỷ lệ nảy mầm lên đến 80%.
Thông thường chúng ta hay nghe nói đến đậu đen trắng lòng và đậu đen xanh lòng. Trong đó, đậu đen xanh lòng được nhiều người đánh giá ngon. Được biết 2 giống đậu đen này được trồng rất phổ biến tại các tỉnh Tây Nguyên và Duyên Hải Nam Trung Bộ nước ta. Tuy nhiên, giống đậu đen Gia Lai và giống đậu đen Bình Định được đánh giá là ngon nhất.
Thông thường, các giống đậu đen sinh trưởng trong khoảng thời gian khoảng 80 – 90 ngày.
Đất trồng
Đậu không quá kén đất nhưng quy trình làm đất cần phải lưu ý một số yếu tố nếu muốn cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Phải làm đất tơi xốp, không được quá ẩm ướt, không để đất bị khô cứng. Nên chọn loại đất tơi xốp, khả năng thoát nước tốt, không bị ngập úng hay chua phèn.
Làm sạch cỏ dại sau đó cày xới đất lên để phơi khô. Sau đó bạn đập nhỏ đất, nhặt sạch cỏ và đá cục rồi mới tiến hành gieo hạt.
Quá trình lên luống trồng, bạn tạo các luống có chiều rộng khoảng 1,2 – 1,5m, cao chừng 35cm. Giữa các luống cũng nên đảm bảo khoảng 25cm, tùy vào từng khoảng đất rộng.
Rải một lớp phân lân bón lót với tro hoặc phân chuồng lên trên rạch rồi mới tiến hành gieo hạt giống.
Gieo hạt
Gieo khoảng 2 – 3 hạt ở mỗi vị trí. Nhớ phủ một lớp đất mỏng sau khi gieo rồi dùng phơi phủ tiếp lên trên. Phải tưới nước ngay sau đó. Việc tưới duy trì để đảm bảo cây nhanh nảy mầm.
Bạn vẫn nên gieo thêm hạt dự phòng ở khoảng đất nhỏ. Mục đích để khi cây mọc được 2 lá mầm, nếu trên luốn chính cây nào yếu ớt hoặc không mọc, bạn có thể dụng cây dự phòng để dặm vào.
Chăm sóc
Khi trồng đậu đen, không nhất thiết ngày nào cũng phải tưới nước nhiều cho cây vì chúng có khả năng chịu hạn khá tốt. Tuy nhiên nếu để đất khô cằn cỗi sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến cây trồng nên cần phải bổ sung nước ngay nếu nhận thấy hiện tượng này.
Những hạt không nảy mầm cần được theo dõi và loại bỏ sớm. Cũng nên tỉa bớt cây nếu mật độ cây non bị dày quá.
Sau khi trồng, cây non phát triển cao khoảng 40 – 50cm thì tiến hành bấm ngọn, nhằm hạn chế việc cây phát triển về chiều cao, tập trung dinh dưỡng, kích thích cây đẻ nhánh mới, ra nhiều quả.
Phải tưới nước cho cây thường xuyên hơn sau 2 tháng trồng. Thời điểm này, cây trong gia đoạn ra hoa và kết trái nên cần nhiều nước và dinh dưỡng hơn bình thường.
Làm cỏ và hãm ngọn
Hoạt động này sẽ diễn ra vào khoảng 10 ngày sau khi cây mọc. Lần thứ nhất, việc làm cỏ giúp cây khỏe mạnh, không bị còi cọc. Có thể loại bỏ cây yếu và bị sâu bệnh.
20 ngày sau lần làm cỏ đầu tiên, bạn tiến hành xới đất và vun gốc có cây. Bạn đồng thời nên kiểm tra và loại bỏ những cây yếu ớt, sinh trưởng kém hay bị dị dạng để tập trung dinh dưỡng cho những cây khỏe mạnh.
Tiếp nữa, bạn tiến hành làm cỏ, xới đất và vun gốc trước khi cây vào thời điểm ra hoa để nó không bị đổ ngã.
Thời điểm cây ra hoa và kết trái, cần ngắt bỏ một số lá già đối với những cây có mật độ lá quá dày.
Dinh dưỡng
Nếu muốn cây đậu đen phát triển nhanh, cần đảm bảo lượng phân bón và chăm sóc cẩn thận.
Theo các chuyên gia, lượng phân bón tiêu chuẩn cho 1000m2 đất trồng đậu đen gồm: Phân chuồng ủ hoai mục: 500kg; Phân lân Văn điền: 30kg; Phân kali KCL: 10kg; Phân đạm SA: 15kg và vôi bột: 50kg.
Chúng ta sẽ tiến hành bón thúc đợt 1 với đạm và kali khi cây đậu đen ra được 3 lá. Khi cây được 2 tháng tuổi tiến hành bón thúc đợt 2.
Sâu bệnh
Đậu đen rất hay bị sâu bệnh gây hại, có thể kể đến như: Dòi đục thân, sâu ăn lá, sâu đục trái, rầy mềm, bệnh lở cổ rễ, đốm lá, cháy lá…
Cây đỗ đen rất dễ bị nhiễm bệnh khi bắt đầu chín, phần vỏ xanh sẽ chuyển dần sang màu đen. Nếu phát hiện tình trạng sâu bệnh, hãy sử dụng một số loại thuốc như tActara 25WG, Bassa, ofatox, pattac để phun cho cây. Nên phun thuốc trừ sâu khi mật độ sâu bệnh dày để tránh ảnh hưởng đến các loài thiên địch trên đồng ruộng.
Ngoài ra, để phòng trừ bệnh, nên thường xuyên giữ đất và môi trường sạch sẽ, làm cỏ thường xuyên, loại bỏ cây héo úa, già bệnh.
Việc trồng luân canh đỗ đen với các loại cây trồng khác như lạc, đỗ… cũng là giải pháp khá hiệu quả.
Xem thêm :
Thu hoạch
Sau 2 – 3 tháng trồng là có thể thu hoạch đậu đen. Khi nào nhận thấy quả đậu chuyển sang màu nâu đậm cũng là lúc có thể thu hoạch. Hành động ngắt nên tiến hành nhanh và dứt khoát, tránh ảnh hưởng đến các quả còn non hoặc làm rụng hoa.
Quả đậu sau khi thu hoạch tiến hành phơi nắng cho khô vỏ. Sau đó, tách vỏ lấy hạt.