Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, cây địa lan trên thị trường lại được săn lùng nhiều đến vậy, đặc biệt là lượng tiêu thụ rất lớn vào những dịp lễ tết ở Việt Nam. Một loài hoa không chỉ đẹp, tượng trưng cho sự may mắn mà nó còn mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao. Chính vì vậy, hiện nay rất nhiều chủ nhà vườn đã mở rộng mô hình kinh doanh sản xuất giống hoa địa lan.
Trong bài viết dưới đây chúng xin bật mí về kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc cây địa lan vừa đơn giản vừa cho ra hoa siêu đẹp.
1.Chuẩn bị dụng cụ trồng
Điều kiện đầu tiên để có thể trồng được những chậu hoa lan ưng ý là chọn những chiếc chậu lý tưởng nhất. Tùy theo điều kiện sử dụng, kích cỡ hình dáng của cây để lựa chọn các loại chậu phù hợp như:
– Đối với giống lan có lá dài, rủ thì nên chọn chậu dáng cao
– Đối với giống lan lá ngắn thì chọn chậu dáng thấp hơn
– Đối với giống khóm lan nhiều thân thì chọn chậu có đường kính to để cân bằng.
Khi mua chậu về, bạn cần xử lý cọ rửa sạch sẽ, phơi khô để loại bỏ các mầm bệnh không tốt cho cây. Ngoài ra có thể rải một lớp sỏi nhỏ bên dưới đáy để rễ cây không mọc ra ngoài và nhanh cho ra hoa.
- Giá thể trồng hoa địa lan
Để tạo điều kiện cho cây hoa địa lan phát triển tốt thì giá thể nên sử dụng hỗn hợp của vỏ thông, sỏi thô nhỏ, than củi, đá trân châu thô, với tỷ lệ đồng đều là 1: 1: 1. Đây là chất trồng có đặc tính sinh học lý tưởng, giúp hoa lan lan lớn nhanh và ra hoa đẹp.
- Xử lý cây giống trước khi trồng
Nếu khóm cây đang ở chậu cũ, có nhiều hơn 5 khóm thì tách ra thành nhiều khóm nhỏ. Sau khi tách thì sát trùng và làm khô vết tách bằng cách dùng que sắt khoảng 2 li đem nung nóng rồi trà sát vào vết tách cho tới khi vết tách khô. Sau đó dùng sơn bôi vào vết tách rồi chờ khô.
Nếu trồng từ cây mới mua hoặc xin từ nơi khác mà khóm vẫn còn nguyên trong chậu thì tiến hành các bước tương tự như trên.
Trước khi trồng phải xử lý rửa sạch, loại bỏ các chất bẩn và mầm bệnh trên cây giống để hoa địa lan có thể phát triển khỏe mạnh và cho ra hoa đẹp.
- Tiến hành trồng cây
Bước 1: Thực hiện xếp các khóm hoa địa lan vào chậu theo nguyên tắc cơ bản sau: khóm già thì xoay vào trong còn khóm non hướng ra miệng chậu.
Bước 2: Cho giá thể đã chuẩn bị vào chậu, phủ kín 1/3 thân lan. Để tránh cây bị nghiêng ngả hoặc ảnh hưởng khi tiếp xúc với giá thể thì bạn có thể sử dụng những que thép nhỏ để cố định khóm lan. Để duy trì độ ẩm cho cây, bạn có thể sử dụng các loại như: dương xỉ, vụn xỉ, than hoặc rêu phủ lên trên bề mặt gốc.
Hướng dẫn chăm sóc cây hoa địa lan đúng cách
- Nước tưới
Lan là một loài cây rất ưa sạch, chính vì vậy nguồn nước là một yếu tố rất quan trọng tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây hoa địa lan. Người trồng chú ý sử dụng nguồn nước sạch và không bị ô nhiễm.
Tùy vào điều kiện thời tiết của từng vùng, từng mùa để điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp nhất. Khi tưới cho cây hoa địa lan, bạn nên sử dụng phương pháp tưới phun sương để phần bề mặt cây và phần rễ dưới đáy chậu đều được thấm.
- Phân bón
Đối với cây hoa địa lan, bạn có thể tiến hành chăm bón chủ yếu trong ba giai đoạn dưới đây:
– Giai đoạn cây đang nảy mầm đến khi phát triển hoàn chỉnh: cây hoa địa lan cần nhiều dưỡng chất hơn trong thời điểm này. Vì vậy bạn cần phải bổ sung phân bón có lượng Ni – tơ ( N) cao.
– Giai đoạn cây chuẩn bị ra hoa: Sử dụng phân bón có lượng phân lân ( P) và kali ( K) để cây có đầy đủ chất dinh dưỡng tiếp tục tạo chồi nụ và nuôi hoa.
-Giai đoạn phát triển chổi hoa: chỉ nên dùng các loại phân bón tan chậm, đặc biệt không nên dùng các loại phân bón lá bởi nó rất dễ bị tình trạng phân đọng trên chồi và làm hỏng hoa.
- Cắt tỉa cành
Điều đặc biệt mang lại giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao ở cây hoa địa lan chính là hình dáng của cây. Trong quá trình chăm sóc, người trồng cần phải thường xuyên theo dõi, cắt tỉa bớt những cành lá khô héo hoặc sâu bệnh và uốn nắn những dáng đẹp cho cây.
Không chỉ giúp phòng trừ và hạn chế sự lây lan của sâu bệnh, việc cắt tỉa cành cũng tạo điều kiện tốt nhất để cây hoa phát triển khỏe mạnh.
- Phòng trừ sâu bệnh
So với nhiều loài hoa khác thì cây hoa Địa Lan cũng gặp khá ít những vấn đề về sâu bệnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp khác, chúng vẫn có thể bị mắc các bệnh lý cơ bản như vàng lá, đốm nâu, thối rễ, cháy lá…
Để khắc phục tình trạng trên, trước tiên bạn nên dùng biện pháp thủ công, sinh học. Nếu theo dõi một thời gian mà nó không đem lại hiệu quả tốt thì có thể chuyển sang phương pháp mạnh hơn là sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng cho các loài hoa lan.