Tưới nước ngọt cho cây trồng bị hạn, mặn như thế nào cho đúng

Khi cây ăn trái bị nhiễm mặn, rễ cây không thể hút được nước, không hấp thu được dinh dưỡng, các quá trình sinh lý trong cây bị rối loạn, sinh trưởng của cây bị ức chế. Trường hợp cây bị nhiễm nặng, vượt quá khả năng chịu đựng, cây sẽ bị ngộ độc, lá bị cháy, rụng và cây héo, chết dần.

Ngoài ra, khi cây bị nhiễm mặn, khả năng chống chịu bệnh kém nên thường dễ bị “bội nhiễm” với các tác nhân của nấm bệnh. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn nước tưới là rất cần thiết.

Trước hết, để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng thì bà con cần củng cố hệ thống đê điều, tiến hành nạo vét kênh mương để dự trữ đủ nước ngọt cung cấp cho cây trồng, hoặc dự trữ nước ngọt trong túi nilon dày đặt dưới gốc cây để tưới thời điểm mặn xâm nhập.

Một biện pháp khác mà nhiều người hay dùng là khoan giếng để có nước tưới. Đây không phải là giải pháp an toàn và hiệu quả. Ngoài việc nhà nước nghiêm cấm khoan giếng thì chất lượng nước giếng khoan cũng chưa đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng tốt. Nếu sử dụng nước này tưới cho cây, một số loại cây như: sầu riêng, chôm chôm, mai vàng và một số loại cây mẫn cảm khác sẽ bị cháy lá, sinh trưởng cũng bị ảnh hưởng. Mặc khác, khi sử dụng nguồn nước giếng khoan để tưới lâu dài, các kim loại nặng sẽ tích lũy vào đất, làm phá vỡ kết cấu của đất, khi đó bón phân vào đất cây sẽ không hấp thu được.

Bà con nông dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời, ngăn chặn nước mặn hoặc lấy nước ngọt vào vườn. Để tránh thiệt hại cho cây trồng khi tưới nhầm nguồn nước bị nhiễm mặn, bà con nông dân cần biết khả năng chịu mặn của từng loại cây trồng trên vườn của mình.

Cung cấp nước cho cây
Cung cấp nước cho cây

Cụ thể, nhóm cây mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn dưới 1‰): Bơ, chuối, khế, nhãn, đu đủ, chanh dây, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt; nhóm cây chịu mặn trung bình (chống chịu được nồng độ mặn từ 2‰ – 3‰): Sơri, ca cao, cây có múi, ổi, khóm, vú sữa; nhóm cây chống chịu khá với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 4‰ – 5‰): Mít, xoài, mãng cầu Xiêm, na; nhóm cây chống chịu tốt với mặn (chống chịu được nồng độ mặn > 5‰): dừa, sapô, me, nho. Nếu sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn để tưới cho cây ăn trái và nồng độ muối hòa tan trong nước cao hơn khả năng chịu mặn khiến cây bị “sốc mặn”, rụng lá, hoa, trái hàng loạt và có thể dẫn đến chết cây.

Trong quá trình trữ nước ngọt tưới cho cây, bà con cũng cần lưu ý các vấn đề sau:

Trước khi bơm nước vào kênh mương để dự trữ, cần lót bạt hoặc dụng cụ chống thấm phía dưới để tránh nước mặn bên ngoài thấm dần vào trong quá trình dự trữ. Phải kiểm tra kỹ nguồn nước, tuyệt đối không sử dụng nước đã nhiễm mặn. Nếu nguồn nước dự trữ bị nhiễm mặn, khi gặp điều kiện nắng nóng, nước bốc hơi, độ mặn của nước sẽ tăng lên.

Đối với vườn cây ăn trái, việc trữ nước ở các mương liếp cần phải tạo độ thoáng cho đất, tránh trường hợp để bị nén chặt làm ảnh hưởng sự hô hấp của rễ cây.

Trước khi tưới nước cho cây trồng, bà con vẫn cần kiểm tra lại độ mặn của nước, tránh trường hợp bị rò rỉ nước mặn trong thời gian dự trữ.
Để nguồn nước dự trữ đủ dùng trong mùa hạn mặn, bà con cần tính toán kỹ lượng lượng nước cần thiết cho cây trồng.

Để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây, nên tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này. Không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ giai đoạn đậu trái. Tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô…

Trong thời gian hạn mặn cần lưu ý: Không sử dụng nước từ các mương vườn khi chiều cao mặt nước còn 0,5m nhằm hạn chế nước mặn từ bên ngoài thẩm thấu vào liếp vườn và giảm hiện tượng mao dẫn phèn gây hại hệ thống rễ cây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
0966.366.368
Chat qua Zalo
Facebook chat