Trồng ngô đông không làm đất, năng suất tối đa

Trồng ngô đông không làm đất, năng suất tối đa

Mùa Thu – Đông đã đến, đây cũng là mùa được nhiều gia đình tập trung trồng ngô. Chúng tôi xin giới thiệu phương pháp trồng ngô đông không làm đất, đạt năng suất tối đa.

Đất trồng:

Dù sống được trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất là trồng ngô trên đất thịt hay thịt pha cát, xốp, giàu hữu cơ, thoáng và giữ nước tốt. Đất trồng ngô phải được cày xới, làm sạch cỏ dại với độ pH tốt nhất cho cây phát triển là 5,5-7.

Chọn các chân ruộng vàn, vàn cao và cao, chủ động tưới tiêu.

Giống trồng:

Cây bắp
Cây bắp

Có 2 giống ngô được mọi người chọn lựa để trồng trong vụ đông là ngô nếp và ngô tẻ. Cụ thể:

– Ngô nếp: Có rất nhiều giống ngô nếp, nhưng bạn có thể chọn lựa một số giống có năng suất, chất lượng cao như: HN88; MX6; MX10; Wax 48; Wax 50; Milky 36; Victory 924…

– Ngô tẻ: Cũng giống như ngô nếp, chúng ta gặp khó khăn khi lựa chọn giống ngô tẻ sao cho vừa dễ trồng, lại cho năng suất. Vậy thì chúng tôi gợi ý bạn nên chọn các giống ngô có góc lá hẹp, bộ rễ chân kiềng khỏe, chịu hạn, chịu lạnh và chống chịu sâu bệnh tốt. Bạn cũng nên chọn giống ngô có thời gian sinh trưởng ngắn dưới 110 ngày.

Thời vụ:

Thời vụ là một yếu tố vô cùng cần thiết trong trồng cây nông nghiệp, bởi nó có thể ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng. Ngô cũng không thoát khỏi quy luật đó, bởi vậy bạn cũng nên lưu ý đến vấn đề thời vụ khi trồng loài cây này.

Qua nghiên cứu và kinh nghiệm, ngô nếp nên trồng trước 15/10. Trong khi đó, ngô tẻ làm bầu trước 25 – 27/9. Với những người có kinh nghiệm trồng ngô thì đây là việc không khó, tuy nhiên với những người lần đầu trồng hoặc mới trồng 1-2 vụ cần lưu ý căn cứ vào thời gian sinh trưởng của mỗi giống ngô để tính sao cho cây ngô trổ cờ, phun râu trước 15 – 17/11.

Lưu ý khi trồng ngô

Cách làm bầu

Nếu trồng 1 sào ngô (360m2), lượng hạt giống bạn cần chuẩn bị là ngô nếp 0,5kg, ngô tẻ 0,7kg. Sau đó, ngâm giống trong nước sạch 8 – 10h, đãi chua, để ráo nước, ủ trong cát ẩm 20 – 24h. Khi nào hạt nứt nanh nhú mỏ quạ thì đem gieo.

Trước khi gieo hạt, cần chọn nền đất cứng bằng phẳng, dãi nắng, rộng 12 – 15m2 rồi dọn sạch cỏ dại. Sau đó, bạn dùng trấu hoặc lá chuối rải nền làm lớp lót bầu.

Để có đất làm bầu, người dân thường vớt bùn ao hoặc bùn sông trục rồi đem phơi nắng 7 – 10 ngày cho hoai. Sau đó, bùn được trộn với phân chuống mục tỷ lệ 1:1.

Tiếp tục trải đều bùn đã trộn phân dày 8 – 9cm, kín hết diện tích đã chuẩn bị, gieo hạt giống với khoảng cách từ 7 – 8cm/1 hạt

Gieo chìm hạt giống xuống đất nhưng phải lộ mầm hạt hướng lên trên. Quá trình gieo hạt, cần chủ động phòng ngừa chim, chuột và che đậy.

Khoảng 2 ngày/lần, tính từ khi mặt bùn se quánh, bạn dùng dao sắt khía dọc ngang vuông ô bàn cờ giữa các hàng hạt. Việc cắt đảm bảo sát tới nền đất cứng, tạo các bầu ngô theo kích thước đã định: 8 x 8cm hoặc 7 x 9cm.

Khi bầu ngô có 3 – 4 lá thật (khoảng 6 – 7 ngày sau gieo, tối đa không để quá 10 ngày) thì đưa ra ruộng trồng.

Thông thường, người dân được khuyên phun thuốc Anvil 5SC hoặc Validacin 3SC phòng nấm bệnh cho ngô trước khi đưa bầu cây ra ruộng 1 – 2 ngày.

Trồng bầu ngô ra ruộng sản xuất

– Trước khi đưa bầu ngô ra ruộng trồng, cần bơm nước ở ruộng cho ẩm đất. Ngoài ra, nên phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm Gramxone 20SC để phòng trừ cỏ dại trước khi trồng, tránh việc cỏ có thể làm hại đến cây và mất công làm cỏ sau  khi đưa cây ra trồng.

– Nên trồng cây 2 hàng ngô so le nanh sấu với khoảng cách 65 x 30cm và mật độ 2.200 – 2.300 cây/sào. Ngoài ra, nên để cách 2 hàng để lối công tác 30cm sau này làm rãnh tưới tiêu.

– Đặc biệt, xoay hướng lá ngô xòe ra 2 mép rãnh đã định khi trồng ngô ra đồng.

Bón phân, chăm sóc ngô

– Nếu đất bạn trồng nghèo dinh dưỡng thì nên bón nhiều phân hơn. Chia lượng phân ra làm 3 lần bón, ⅔ phân lân dùng để bón lót.

– Bón thúc lần đầu 15 ngày sau gieo 1/3 lượng phân urê, 1/3 lượng phân lân.

– 30 ngày sau gieo bón 1/3 lượng phân urê, 1/2 lượng phân kali.

– Lần cuối bón lúc 45 ngày sau gieo bón hết số phân còn lại.

Tưới cây

– Chú ý, tưới đủ nước cho cây ngô ở các giai đoạn xung yếu: 7 – 9 lá; trỗ cờ -phun râu và chín sữa.

Giai đoạn đầu là giai đoạn cần nhiều nước, bạn nên 5-7 ngày tưới 1 lần. Khi cây đã phát triển ổn định 2-3 tuần tưới 1 lần.

Chăm bón

Chăm bón ngô là một quá trình cần làm thường xuyên và liên tục. Theo đó, bạn cần thường xuyên kiểm tra ruộng ngô để điều chỉnh biện pháp chăm bón, nếu phát hiện một số tình trạng dưới đây, chúng ta cần khắc phục ngay, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất cây trồng.

Ngô bị thiếu lân nếu lá ngô có màu đỏ, nhất là các nõn, thân cây nhỏ yếu, thiếu đạm nếu hóp lá có màu vàng lan dần dọc theo gân lá, cây còi cọc. Trường hợp chóp và các mép lá dưới bị cháy khô, cây mềm yếu, chứng tỏ cây đang thiếu kali. Trong khi đó, nếu ruộng ngô có nhiều cây mọc chồi, chứng tỏ chúng đang bị thừa đạm. Ngoài ra, nếu quan sát thấy cây ngô lá nhỏ, quăn, màu xanh xám, chứng tỏ chúng đang thiếu nước.

Tỉa cây

Tỉa cây là một thao tác khá quan trọng trong trồng ngô để đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển. Bởi để cây lớn nhanh và cho bắp lớn, cần tỉa thưa cây, mỗi hốc chỉ để 1-2 cây. Ngoài ra, bạn cũng cần nhổ bỏ những cây tật, yếu ớt cũng như dặm những cây chết.

Cách phòng phòng trừ sâu bệnh:

Trồng ngô thường gặp phải một số vấn đề về các loại sâu như sâu xám, sâu đục thân. Chúng ta có thể sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật hoặc dùng các biện pháp truyền thống để loại bỏ chúng.

Ngoài ra, quá trình trồng ngô, bạn rất dễ gặp phải một số căn bệnh phổ biến đối với loài cây trồng này bao gồm: Bệnh khô vằn. Với loại bệnh này, bạn có thể phun Validacine 3SC hoặc Anvil 5SC. Đối với bệnh rệp cờ, bạn có thể sử dụng thuốc Ofatox 400EC hoặc Fastac 5EC để loại bỏ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline
0966.366.368
Chat qua Zalo
Facebook chat