Nhiều bà con tiện tay hái luôn những trái cà phê xanh mà quên mất rằng điều ấy ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sau này.
Nhắc đến chất lượng cà phê, các yếu tố quyết định phụ thuộc vào kích cỡ hạt, màu sắc, dạng hạt, độ đồng đều, giống, điều kiện khí hậu, biện pháp bảo vệ, chống sâu mọt, bón phân, che bóng…
Một trong những điều quan trọng của việc hái cà phê là chỉ có những quả chín mới có thể cho sản phẩm có chất lượng cao.
Quả cà phê phải chín đỏ 87%, có cuống đỏ hoặc hơi xanh không bị sâu bệnh sẽ cho thành phẩm cao. Khi quả cà phê được hái chín, hàm lượng đường trong quả cà phê đạt vị hoàn hảo nhất.
Quả chín nẫu sẽ cho cà phê nhân nâu và nước uống có mùi vỏ. Quả chín ép do cây bị thiếu dinh dưỡng, hạt lép, sâu bệnh khiến nhân phát triển không đầy đủ, nước uống có vị hăng ngái.
Quả sâu bệnh là quả bị mọt đục, bị bệnh nấm hồng có nhân không nguyên vẹn, bị khô khiến chất lượng nước uống thấp và bị đánh lỗi trong các tiêu chuẩn phân loại. Quả khô là những quả còn sót lại trên cây hay bị rụng dưới đất một thời gian dài, thường có hạt màu đen, chất lượng thấp.
Hái quả xanh tức là thu hái khi cà phê chỉ mới chín 60% số quả ở trên cây, bởi lúc ấy quả không đạt được độ khô nhất định nên bà con thường phải sấy hoặc phơi khô quả hái xuống, chính điều này khiến nhân thành phẩm có chất lượng không cao bằng.
Hơn nữa, hái quả xanh còn làm giảm sản lượng do quả chưa phát triển hết, nhân còn nhỏ, chưa mẩy, hạt quả có thể bị nấm và lên men vi sinh do hỏng lớp nhớp giữa vỏ thật và vỏ thóc, hình thành độc tố trong cà phê.
Nguy hại hơn, việc thu hoạch quả cà phê khi còn xanh sẽ kéo chu kỳ sinh trưởng của cây cà phê sớm hơn, từ đó quá trình phát triển quả sẽ chịu ảnh hưởng của mùa khô làm tăng chi phí cho khâu tưới nước.
Việc thu cà phê xanh sẽ diễn ra vào các tháng cuối mùa mưa gây khó khăn cho việc chăm cây canh tác vụ về sau.
Hái xanh làm giảm sản lượng 20-30% do từ 1kg quả chín và 1kg quả xanh có thể thu được một lượng cà phê nhân tương đương nhau, nhưng số quả đếm được trong 1kg quả xanh nhiều hơn 30-35% so với số quả chín.
Dẫu biết rằng bà con thu hái quả xanh xuất phát từ chi phí thu hoạch quả chín và việc bảo vệ sản phẩm ngoài đồng rất tốn kém, nhưng hi vọng bà con nên tuân thủ đúng quy tắc hái cà phê.
Ngoài ra, yếu tố bãi chứa cũng là bài toán khó khi bà con hái quả cà phê xanh, không bù đắp đủ cho chi phí phát sinh do thu hoạch quả chín.
Đối với cà phê chè, phương pháp chế biến tối ưu nhất là chế biến ướt còn đối với cà phê vối vẫn có thể áp dụng phương pháp chế biến khô để có thể tạo ra sản phẩm có chất lượng cao khi nguyên liệu đưa vào chế biến đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật.
Để có năng suất sản lượng cao, chất lượng tốt bà con chỉ nên thu hoạch cà phê khi quả vừa đúng độ chín. Đó là lúc quả có màu đỏ sẫm hoặc vàng chín tự nhiên trên cây. Cũng không nên để chín nẫu vì dễ thu hút sâu mọt làm giảm phẩm chất của cà phê nhân trong thời gian bảo quản sau này.
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực mang lại giá trị thu nhập cao cho nền kinh tế của các tỉnh miền Trung. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đòan thể, các doanh nghiệp cần quán triệt cho nông dân hiểu rõ để “không hái quả xanh”.