Cách trồng lựu cảnh vừa thu hoạch quả vừa trang trí lạ mắt
Mang nhiều ý nghĩa phong thủy và có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều gia đình lựa chọn trồng cây lựu để cầu tài lộc, bình an.
Cây lựu có nguồn gốc được trồng ở Trung Đông từ khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, ở khu vực miền Bắc Iraq và Tây Bắc Iran. Lựu có lớp vỏ ngoài dày, hạn chế thoát lượng nước mọng bên trong hạt. Bởi vậy, quả lựu được các đoàn lữ hành sa mạc mang theo như một nguồn nước uống bổ dưỡng, chống khát nước.
Mang lại giá trị dinh dưỡng cao, lựu được coi là loại quả thần dược giàu chất chống oxy hóa cùng với các vitamin A, vitamin C, vitamin E và nhiều khoáng chất khác, có thể hạn chế được quá trình lão hóa da, tốt cho bệnh nhân tiểu đường, mỡ gan, mỡ máu, vv….. Do hàm lượng chứa nhiều thành phần vitamin B2 và canxi nên có tác dụng làm tươi trẻ làn da. Ngoài ra quả lựu còn được dùng để chữa viêm da và hỗ trợ vết thương mau lành khá hiệu quả.
Cây lựu thuộc dạng thân gỗ nhỏ với chiều cao trung bình khoảng 4 mét. Quả lựu chuẩn có dạng hình cầu tròn với đường kính trung bình từ 5-10cm tùy từng giống lựu. Khi chín phần vỏ ngoài sẽ có màu đỏ hồng hoặc đỏ vàng bên trong có chứa nhiều hạt màu hồng hoặc trắng trong suốt khi ăn có vị thú vị.
Thời vụ trồng
Là loài cây nhiệt đới ưa ẩm, bạn có thể trồng lựu vào bất cứ thời tiết nào trong năm ở nước ta tuy nhiên thời điểm vàng để trồng lựu là đầu mùa mưa và cuối mùa thu.
Tiêu chuẩn đất
Trong những loại đất hiện nay thì lựu thích hợp nhất với loại đất thịt phối trộn với hữu cơ hoai mục, đất phù sa giàu dinh dưỡng có độ pH từ 5 đến 6.5. Với những người trồng lựu trong chậu thì bạn cần trộn đất với một lượng tro trấu với một chút cám để giúp tạo nên cấu trúc tối ưu cho cây.
Trước khi trồng cây, bạn cần lưu ý làm sạch cho đất bằng phân chuồng, phân hoai mục và vôi bột, trộn đều sau đó phơi ải đất 12 ngày để diệt nấm và vi khuẩn, sau đó mới tiến hành bón dinh dưỡng và trồng cây vào chậu.
Cách chọn giống cây lựu
Bạn có thể lựa chọn trồng bằng cách gieo hạt tuy nhiên, với lựu, bạn nên trồng bằng phương pháp cây giống để không mất quá nhiều thời gian chờ đợi, hơn nữa cây giống sẽ mang những đặc tính trội về gen từ cây mẹ, chúng sẽ cho ra quả nhanh, chất lượng cây tốt hơn để đảm bảo sau này cây lựu khỏe mạnh.
Chuẩn bị hố và đất trồng
Bạn nên chọn chậu cây cảnh bằng xi măng hoặc đất có chiều sâu đáy từ 50 đến 60cm, đặt ở nơi thoáng gió, tránh ánh nắng gắt trực tiếp, dưới chậu cần có lỗ thoát nước để đề phòng mưa dẫn đến đọng ứ nước làm chết rễ.
Kỹ thuật trồng cây lựu trong chậu
Sau khi mang cây giống về, đất đã được xử lý cơ bản, bạn lấy kéo cắt nhẹ lớp nilon bên ngoài bầu đất, tránh cắt sâu vào phần rễ. Sau đó nhẹ nhàng đặt bầu đất vào hố cây trong chậu đã chuẩn bị sẵn.
Dựng cây thẳng đứng, lấy tay ấn chặt đất chặt sao cho ngập rễ và ngang thân. Để đảm bảo cây không bị đổ, bạn nên cố định thân vào một cọc tre nhỏ, cố định bằng dây vải để tránh tình trạng nghiêng bật rễ khi gặp gió to. Trồng xong tiến hành tưới nước giữ ẩm luôn cho đất để cây mau ra rễ.
Chăm sóc cây lựu sau khi trồng
Thời gian đầu bạn nên chú ý tưới nước giữ ẩm cho cây. Vào mùa khô tăng lượng nước tưới cho cây chống cho đất bị khô. Bạn có thể quấn rơm rạ ẩm quanh gốc để tránh bốc hơi nước trong đất. Nếu thiếu nước cây sẽ còi cọc quả nhỏ ăn không ngon.
Lưu ý, bạn không được để gốc lựu mọc cỏ dại, xác vi sinh, nên làm sạch gốc hàng tuần đồng thời xới xáo đất quanh gốc 2 lần/năm.
Do lựu có hệ thống cành lá phát triển nhanh và mạnh nên bạn cần lưu ý cắt tỉa cành cây định kỳ. Khi cây đạt chiều cao thích hợp, bạn hãy cắt bớt các cành, chỉ giữ lại cành xanh, khỏe mạnh cho dáng đẹp để tập trung nuôi dưỡng.
Bón phân cho cây lựu
Sau khi cây trồng được 1 tháng bạn tiến hành bón thúc bằng phân NPK, năm đầu tiên, bạn có thể bón định kỳ 3 lần mỗi lần cách nhau 3 tháng.
Đến năm thứ 2 trở đi bạn tiến hành bón tăng lượng phân chia ra làm 2 đợt để bổ sung dưỡng chất cho cây.
Thu hoạch lựu
Sau 2 năm lựu sẽ cho trái thu hoạch, khi quả to, chắc tay, chuyển sắc hồng là có thể thu hoạch. Nên thu hái lúc trời nắng ráo và tránh lúc trời mưa cây sẽ nhạt. Thu hái xong bảo quản nơi thoáng mát sẽ giúp quả được tươi lâu hơn.
Bài viết hi vọng sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trồng cây lựu trong chậu. Chúc bạn thành công!