Bạn gặp khó khăn trong việc trồng và chăm sóc rau muống – một loại rau ăn phổ biến, ngon và nhiều dinh dưỡng, hãy tham khảo những hướng dẫn dưới đây của chúng tôi, đảm bảo bạn sẽ thấy việc trồng rau muống như là dạo chơi sân vườn mà thôi.
Địa điểm trồng
Rau muống có thể trồng ở bất cứ nơi đâu: Dưới nước, ven sông, trên cạn hoặc trong các thùng xốp, xô chậu. Tuy nhiên, hãy chọn những nơi có nhiệt độ cao, ẩm ướt và đủ ánh nắng mặt trời.
Đất trồng
Rau muống là loại rau trồng không kén đất, có thể trồng
Rau muống có thể trồng trên hầu hết các loại đất. Tuy nhiên, loại đất thích hợp nhất để trồng rau muống là đất có nhiều bùn, đất thịt và đất hơi ngập nước. Điều đặc biệt cần lưu ý chỉ là luôn giữ đủ nước để rau sinh trưởng và phát triển.
Tiến hành bón lót phân chuồng hoặc phân hữu cơ sinh học, đồng thời cày xới kỹ đất, dọn sạch cỏ rác trong đất trước khi gieo trồng rau muống 7-10 ngày.
Cách trồng
Rau muống có thể trồng bằng hạt hoặc dùng phần thân cây già. Nếu trồng bằng hạt, lưu ý cần ngâm và ủ hạt rau muống vào nước ấm khoảng 30 – 40°C từ 3 – 6 tiếng. Vớt hạt ra rửa lại bằng nước sạch rồi tiến hành ủ vào khăn ẩm ở nhiệt độ 25 – 30°C trong vòng 6 – 10 tiếng. Thời điểm kiểm tra thấy hạt giống nứt ra và nảy mầm thì để hạt giống ráo khô nước sau đó đem gieo.
Việc gieo hạt rau muống có thể tiến hành trực tiếp trên đất ruộng. Hình thức gieo khá đơn giản nhưng hình thức này thì cần làm đất thật kỹ, tơi xốp và lên luống cao 20 – 30cm. Đồng thời, tiến hành trộng đất với các loại phân hữu cơ giàu dinh dưỡng.
Trong vòng 1 tuần đầu, tưới nước 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Tuần đầu này có thể phủ rơm rạ hoặc bạt plastic để giữ ẩm. Nhược điểm của hình thức này là khó chăm sóc và quản lý việc hạt nảy mầm trong điều kiện thời tiết mưa, nắng nóng, sâu bệnh….
Khi hạt nảy mầm và cho 4 – 5 lá, bạn có thể tỉa bớt những cây con để ăn giống như rau mầm. Giữ các cây với khoảng cách hàng và các cây cách nhau từ 10 -15 cm.
Trường hợp trồng rau muống bằng thân, nên chuẩn bị thân rau dài khoảng 20cm, lựa cành già cứng và có rễ. Sau khi làm đất tơi xốp, tiến hành lên luống cho đất rồi cắm phần thân cây thẳng hàng. Nhớ lấp đất sâu 3 – 4 đốt và giữ khoảng cách giữa các cây tầm 10 cm, ấn chặt gốc. Mỗi ngày tưới một lượng nước vừa đủ cho rau muống.
Tưới nước
Rau muống ít sâu bệnh nên dễ chăm sóc. Thường xuyên tưới nhiều nước cho rau, đặc biệt là vào mùa khô nắng. Dù rau muống ưa nước và không dễ bị ngập úng nhưng vào mùa mưa to thì nên che phủ cho rau để hạn chế rau bị dập nát và hư thối.
Bón phân
Không cần phải bón phân thường xuyên cho rau muống. Thay vào đó, chỉ cần bổ sung phân đạm, lân và urê để giúp rau muống phát triển tốt.
Ở giai đoạn rau muống con có từ 3 – 4 lá cần pha một lượng phân lân và urê rồi tưới đều trên rau muống vào buổi chiều mát vào buổi sáng hôm sau cần tưới xả lại để tránh hiện tượng lá nhạt màu hay bị vàng lá do thiếu đạm, rễ chưa phát triển.
Sau 10 – 15 ngày, tiến hành bón phân lần 2, pha lượng phân NPK hoặc phân DAP với nước rồi tưới đều trên rau muống lúc chiều mát.
Sâu bệnh
Dù không nhiều sâu bệnh nhưng rau muống có thể gặp phải một số loại sâu bệnh như các loại sâu xanh, sâu tơ, sâu đục đọt, sâu ăn lá, sâu khoang và sâu ba ba. Aztron, Biocin 16 WP, Dipel 6.4 WP,… là những loại thuốc có thể sử dụng để diệt trừ.
Rau muống cạn hay gặp phải rầy xám. Phòng trừ bệnh này bằng cách dùng thuốc Bassa 50ND, Cyperan 25EC… phun kỹ trên toàn bộ cây.
Mùa mưa, rau muốn dễ gặp phải bệnh rỉ trắng. Để phòng bệnh này, cần chú ý lên liếp cao cho rau để thoát đất nước tốt. Sử dụng các loại thuốc như Score 250 EC, Sherpa 20EC, Regent 80WG, Dithane 80WP, Sumicidin 10EC, thuốc sinh học NPV để phun cho rau khi phát hiện bệnh.
Thu hoạch
4 – 6 tuần sau khi gieo trồng là có thể thu hoạch rau muống. Nếu chăm sóc rau muống tốt, rau có thể cho thu hoạch được 5 đợt.
Nhớ cắt ngang gốc cách gốc cây 3cm để cây tiếp tục nhú mầm non. Pha đạm, lân và urê với nước loãng rồi tưới cho rau để kích thích rau ra rễ và mau mọc lá mới.