Dạ yến thảo là một loài hoa rất dễ trồng, được ưa chuộng nhiều bởi màu sắc rực rỡ và có thể dễ dàng trang trí. Nếu biết cách chăm sóc tốt thì cây có thể cho ra hoa quanh năm. Dưới đây là phương pháp trồng Dạ yến thảo cho năng suất và chất lượng hoa tốt nhất mà bạn có thể áp dụng để trồng ngay trong chính khu vườn của mình.
1.Thời vụ trồng
Hoa dạ yến thảo có thể trồng quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào mùa xuân hoặc mùa thu, thời tiết phù hợp, hoa nở nhiều và cho chất lượng cao hơn.
- Chuẩn bị trước khi trồng
Đất trồng
Dạ yến thảo là loại cây ưa ẩm nên thích hợp trồng trên các loại đất thịt nhẹ, đất pha cát, tơi xốp, thoáng khí. Đặc biệt đất phải có khả năng giữ nước và thoát nước tốt, được xử lý thuốc trừ nấm bệnh và vi khuẩn trước khi đưa cây vào trồng. Ngoài ra bạn có thể sử dụng đất trộn phân chuồng hoai mục, than củi nhỏ hoặc xơ dừa. Đồng thời tiến hành bón lót phân hữu cơ sinh học để tạo chất dinh dưỡng tốt hơn cho cây.
Chọn giống
Hiện nay có hai loại giống được trồng phổ biến là hoa đơn và hoa kép
+ Dạ yến thảo kép: Cây thân leo, hoa to, nhiều cánh, đường kính hoa khoảng 12 – 13 cm.
+ Dạ yến thảo đơn: Cây thân bụi, nhiều hoa nhưng cánh hoa chỉ có một lớp đường kính hoa khoảng 5 – 7 cm
Chuẩn bị nhà che
Trong những trường hợp trồng với quy mô lớn thì bạn cần làm nhà mái che hoặc nhà lưới để đảm bảo ánh sáng phù hợp cho cây giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Dụng cụ khác
Trước khi chồng bạn cần chuẩn bị chậu bình tưới nước, dụng cụ tra hạt trồng, kéo hoặc dao cắt tỉa,…
- Kỹ thuật trồng cây hoa dạ yến thảo
Thông thường có hai phương pháp trồng hoa Dạ yến thảo đó chính là gieo hạt là giâm cành. Mỗi cách đều có những ưu – nhược điểm riêng, cụ thể như sau:
Phương pháp gieo hạt ( 4 bước)
Bước 1: Lựa chọn những hạt giống to, chắc mẩy, không bị ẩm mốc để có được tỉ lệ nảy mầm tốt nhất.
Bước 2: Trước khi gieo thì cho hạt giống vào nước ấm ( 2 lạnh + 1 nóng) ngâm trong khoảng 2 – 3 giờ. Sau khi thấy hạt giống chương lên to thì có thể vớt mang ra ngoài.
Bước 3: Rắc đều hạt giống đã ngâm lên phần đất đã chuẩn bị rồi phủ tiếp một lớp đất mỏng lên trên. Dùng bình phun sương tưới đều nước lên trên bề mặt đất để duy trì độ ẩm cho hạt nhanh nảy mầm. Nếu chú ý quan sát thì sau khi gieo khoảng 4 – 5 ngày sẽ thấy những mầm xanh xuất hiện chồi lên khỏi mặt đất.
Bước 4: Sau khi gieo khoảng 2 tuần, cây phát triển chiều cao từ 8 – 10cm và có khoảng 3 – 4 lá thật. Lúc này, bạn có thể đưa chúng ra trồng ở những khu đất rộng rãi hơn hoặc trồng trực tiếp vào trong chậu.
Phương pháp giâm cành ( 3 bước)
Bước 1: Chọn cây khỏe mạnh, không sâu bệnh để cắt một ngọn dạ yến thảo với ít nhất 3 – 4 đốt lá trên ngọn. Sau khi cắt thì nhúng chúng vào chậu nước để giữ được độ tươi lâu hơn.
Bước 2: Dùng dụng cụ tra hạt để tạo các hố trồng trên mặt đất rồi cho vào mỗi hố một ngọn Dạ yến thảo. Sau đó lấy tay lấp đất kín vào phía ngọn hoa.
Bước 3: Sau khi giâm cành xong thì dùng bình phun tưới thật đẫm vào đất và ngọn hoa. Thời điểm tưới tốt nhất nên vào buổi sáng và chiều tối mát. Sau 2 – 3 tuần, các ngọn cây sẽ bắt đầu ra rễ và đâm chồi.
Cách chăm sóc hoa Dạ yến thảo
Tưới nước
– Cây hoa Dạ yến thảo ưa ẩm nên hàng ngày cần bổ sung lượng nước tưới đầy đủ cho cây.
– Những mùa hanh khô, nắng nóng thì nên tưới với tần suất 2 – 3 lần/ngày, lượng nước tùy thuộc vào diện tích trồng cũng như thời tiết từng mùa.
Bón phân
Trong suốt quá chăm sóc, người trồng cần phải thường xuyên bổ sung phân bón, tăng cường dưỡng chất để cây nhanh lớn và ra hoa. Bạn có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh và phân NPK tổng hợp.
-Giai đoạn cây con thì tiến hành bón lót bằng phân NPK 30-10-10.
– Giai đoạn sinh trưởng và phát triển thì tiến hành bón thúc bằng phân NPK 20-30-30.
– Giai đoạn cây đã phát triển tươi tốt mà chưa có hoa thì dùng phân bón NPK 10-30-30.
Nếu dùng các loại phân hữu cơ vi sinh như Dynamic thì bón định kì 15 ngày/lần bằng cách bón xung quanh gốc cây, tránh phần lá và ngọn. Còn đối với các loại phân NPK tổng hợp thì bón định kì 1 tuần/lần.
Để tăng cường sức đề kháng cho cây thì người trồng có thể phun bổ sung Vitamin B1, phân bón lá hoặc KNO3.
Cắt tỉa cây đúng cách
– Thường xuyên tiến hành cắt bỏ các cành, lá bị khô, già hoặc sâu bệnh, những cuống hoa đã héo tàn để kích thích cây tăng trưởng, đâm chồi nhánh và ra hoa đẹp hơn.
Chú ý quan sát sâu, bệnh hại cây
Hoa dạ yến thảo thường bị một số loại sâu bệnh hại tấn công như: bọ trĩ, sâu vẽ bùa, bệnh thối gốc, lở cổ rễ, cháy lá,…
Phòng tránh các loại sâu bệnh: Trước hết bạn cần tạo môi trường sống thông thoáng cho cây, không nên tưới nước vào buổi tối và để đất quá ẩm ướt,…
Diệt trừ sâu, bệnh: Ưu tiên các phương pháp thủ công như loại bỏ sâu bằng tay hoặc sử dụng bẫy bắt sâu. Nếu không thấy hiệu quả có thể sử dụng thuốc sinh học để phun.