Củ đậu là loại củ có thể ăn sống như một lại quả hoặc ăn ghém trong các bữa ăn. Quy trình trồng củ đậu không phức tạp, chỉ cần bạn nằm lòng được một số kĩ thuật là có thể tự tin trồng củ đậu cho năng suất, ngon ngọt.
Trồng bất cứ loại cây gì cũng đều cần có hiểu biết nhất định về kĩ thuật. Chúng tôi xin tóm tắt những kĩ thuật cơ bản bạn cần nắm vững trước khi có ý định trồng củ đậu.
Thời vụ
Củ đậu vốn là cây ưa sáng. Bởi vậy, khi trồng củ đậu, cần đặt chúng vào những nơi có nhiều ánh sáng, thoáng mát, đất không bị trũng hay quá khô cằn.
Củ đậu khá dễ trồng và có thể trồng nhiều vụ trong năm. Các bạn có thể trồng củ đậu vào vụ Xuân, từ tháng 2,3 và thu hoạch vào tháng 5,6; vụ Hè trồng tháng 4,5 và thu hoạch tháng 7,8 hoặc trồng vụ Thu Đông, từ tháng 7,8,9 rồi thu hoạch vào tháng 10 cho đến sau tết nguyên đán. Tuy trồng được quanh năm nhưng vụ Xuân và Thu Đông là những vụ chính cho năng suất cũng như chất lượng cao và tốt nhất.
Làm đất
Trước khi trồng, việc làm đất vô cùng quan trọng. Để trồng củ đậu, cần làm cho đất tơi xốp, bón lót vôi trộn với phân chuồng ủ hoại.
Sau đó lên luống cao 0,7m và rộng 1,2 – 1,5m. Lưu ý, hàng cách hàng từ 8 – 10cm và làm rãnh rộng 0,5m. Khi gieo hạt giống củ đậu lên mặt đất, đặt nằm ngang, so le nhau. Sau đó rắc một lớp đất bột mỏng lên hạt rồi dùng rơm rạ băm nhỏ phủ đều lên mặt chậu và tưới ẩm. Lưu ý ấn nhẹ hạt dính vào đất để khi tưới nước hạt không bị trôi.
Chăm sóc
Quá trình chăm sóc cần chú ý đến việc bón phân cho củ đậu. Có một số giai đoạn cần phải chú ý như sau:
Tưới thúc đạm khi hạt mọc được 15-20 ngày giúp củ đậu phát triển nhanh thân lá. Sau 40-45 ngày, tưới thúc nốt lượng kali cho củ đậu phát triển nhanh.
Để đảm bảo cây đủ dinh dưỡng, khi cây củ đậu mọc đều, cần tỉa bớt những cây mọc yếu. Ngược lại, nấu cây bị thưa, cần dặm lại để đảm bảo mật độ cây cũng như năng suất.
Muốn cây sinh trưởng khoẻ cần kết hợp với bón phân đợt 1 là xới xáo mặt luống, làm sạch cỏ và thường xuyên tưới đủ ẩm (65-70%).
Khi nhận thấy cây có biểu hiện cằn, lá hơi vàng thì cần phun bổ sung thêm các loại phân bón qua lá như Thiên nông, Humate 7-10 ngày/lần để giúp cây sinh trưởng nhanh, cho củ to, chất lượng tốt.
Tưới nước
Theo các chuyên gia, cách tưới nước chuẩn và tốt nhất là dẫn nước theo rãnh cho ngấm dần vào luống hoặc té nước lên mặt luống. Rút nước ra khỏi rãnh khi thấy đất chuyển màu nâu thẫm.
Bấm ngọn
Thời điểm sau trồng khoảng 1 tháng nên tiến hành bấm ngọn lần đầu. Sau đó cứ cách 7 – 10 ngày lại tiến hành bấm ngọn một lần cho đến lúc thu hoạch. Việc bấm ngọn, cắt tỉa bớt thân lá để cây tập trung dinh dưỡng nuôi củ. Ngoài ra, nên kết hợp bón thúc phân NPK rắc đều trên mặt chậu rồi tưới nước cho phân tan.
Có một điều cần đặc biệt lưu ý, là cây bắt đầu bói hoa thì cũng là lúc dùng dao, kéo cắt hết hoa, nụ, lộc non vươn dài khỏi mặt luống. Kỹ thuật này giúp cây chuyển nhanh từ giai đoạn sinh trưởng thân lá sang phát triển củ, đồng thời tăng trọng củ, nâng cao chất lượng củ.
Sâu bệnh
Sâu như cuốn lá, bệnh lở cổ rễ, đốn lá, cháy lá, rầy rệp…là những loài dễ gây hại đối với củ đậu. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, củ đậu sẽ còi cọc, gây ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí còn không cho củ.
Thu hoạch
4 – 5 tháng kể từ khi trồng, củ đậu sẽ cho thu hoạch củ. Một cách nhận biết dễ hơn không cần căn cứ vào thời gian, bạn có thể thu hoạch khi củ đậu sẽ rụng gần hết lá và lá chuyển sang màu vàng nhạt.
Củ đậu tươi nếu được cất giữ ở nhiệt độ thích hợp có thể để lâu một hoặc hai tháng. Để đảm bảo củ đậu giữ được lâu, nên bảo quản chúng ở nơi khô ráo, nhiệt độ khoảng 12°C tới 16 °C. Không được bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn bởi sẽ làm hư củ.