Tự làm phân hữu cơ tại nhà có thể giúp bà con thay thế bón phân vô cơ vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe và còn giúp đảm bảo được môi trường sinh thái. Bạn có thể tận dụng những rác thải của gia đình bạn như các loại rau, củ quả thừa, bị hỏng để tự làm phân hữu cơ tại nhà, ngoài ra việc này còn rất hữu ích trong việc giảm lượng rác thải ra môi trường tự nhiên.
Phân hữu cơ vi sinh là gì? Lợi ích và ưu điểm của việc ủ phân hữu cơ vi sinh
Phân hữu cơ vi sinh là sản phẩm của quá trình phân hủy các chất hữu cơ. Các vi sinh vật sử dụng chất hữu cơ để phát triển sinh khối và giải phóng các chất hữu cơ dễ phân hủy… Các hộ nông dân có thể tự làm phân hữu cơ vi sinh từ các loại phế thải như: Chất thải người, gia súc, gia cầm; rơm rạ, thân cây ngô, đậu, lạc, mía; cây phân xanh… được ủ với chế phẩm vi sinh dùng để bón vào đất làm tăng độ phì nhiêu, giảm ô nhiễm môi trường.
Làm phân hữu cơ vi sinh giúp bà con tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng, làm giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt như chi phí phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; Làm mất sức nảy mầm của hạt cỏ lẫn trong phân chuồng; Tiêu diệt các mầm bệnh có trong phân chuồng, nhất là khi gia súc bị bệnh; Phân hủy các hợp chất hữu cơ, khó tiêu thành dễ tiêu, khoáng chất, nguyên tố vi lượng cung cấp cho cây trồng sử dụng dễ dàng hơn.
Phân hữu cơ vi sinh có tác dụng làm tăng độ phì nhiêu của đất và cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Đặc biệt là đối với cây trồng cạn phân hữu cơ vi sinh rất thích hợp vì làm tăng độ tơi xốp của đất, giữ độ ẩm cho đất, hạn chế được rửa trôi đất.
Ngoài ưu điểm trên phân hữu cơ vi sinh cũng có hạn chế là thành phần phân ủ thường không ổn định về chất lượng do nguồn nguyên liệu không đồng đều về định lượng. Việc ủ phân thường ở dạng thủ công và lộ thiên tạo sự phản cảm về mỹ quan và phát tán mùi hôi trong những ngày đầu.
Tránh dùng những loại rác thải sau để làm phân hữu cơ tại nhà
Không phải loại rác thải nào cũng có thể tận dụng làm phân hữu cơ tại nhà. Một số loại rác thải thực phẩm: Xương động vật; gia cầm và cá, chất béo thực vật và sữa, vỏ sò, vỏ hến… Hay các loại gỗ đã qua chế biến, phân người và vật nuôi chưa qua xử lý,… là những loại không dùng để ủ phân hữu cơ. Đặc biệt không sử dụng lá tràm, vỏ cam, vỏ quýt, lá bạch đàn, lá sả tươi, vì những loại này có tinh dầu làm hại đến sự phát triển của vi sinh vật có ích
Kỹ thuật ủ và sử dụng phân hữu cơ vi sinh:
Nguyên liệu sử dụng: Nguồn phế thải nông, lâm nghiệp và công nghiệp thực phẩm như: Rơm rạ, thân lá cây ngô, lạc, đậu đỗ sau thu hoạch, cây phân xanh, bèo tây (lục bình)…; Vỏ cà phê, lạc, trấu…; Các loại mùn: than mùn (than bùn dùng trong sản xuất phân bón), mùn: mía, cưa, giấy…Phân gia súc, gia cầm… Cám gạo, rỉ mật hoặc mật mía.
Có thể phân nguyên liệu thành 2 loại:
Nguyên liệu nâu: Lá cây khô, cỏ khô; Giấy và cart tông; Rơm; Cành cây khô; Vỏ trứng; Túi lọc trà; Mạt cưa
Nguyên liệu xanh như: Rau củ quả sống; Cỏ mới xén; Vỏ trái cây tươi; Bã cà phê; Phân tươi; Cành cây cành; Cỏ dại; Lá, cành tỉa từ cây cảnh
Cách tiến hành ủ:
Địa điểm ủ phân hữu cơ:
Chọn địa điểm dễ vận chuyển nguồn phân đến nơi sử dụng. Nền ủ cần bằng phẳng hoặc hơi dốc. Có thể ủ trong nhà kho, chuồng nuôi không còn sử dụng để tận dụng mái che. Nếu ủ trong kho phải có thoát nước.
Hoặc có thể ủ phân trong những thùng chứa kín bằng gỗ, nhựa có dung tích tùy vào lượng rác thải của mỗi gia đình. Đối với các thùng nhựa bị bịt kín bạn nên khoan thêm vài lỗ nhỏ trên thân thùng nhựa để có chỗ thoát nước. Để thùng chứa những nơi thoát nước, đặt những nơi có đất trống thay vì gạch bê tông vì để đảm bảo rằng giun và vi sinh vật có lợi khác có thể xâm nhập thùng rác hoặc bạn có thể để trên sân thượng. Vì những thùng này sẽ có mùi nên để nơi xa bạn sinh hoạt và nơi có nắng nhiều để đẩy nhanh quá trình phân hủy.
Tiến hành ủ:
Sau khi phân loại được các loại phân xanh, phân nâu và các thành phần cần tránh khi bạn làm phân hữu cơ tại nhà. Chúng ta tiến hành trộn phân xanh và phân nâu theo tỉ lệ như sau: Lớp ủ đầu tiên là 10cm phân nâu tiếp đến 1 lớp phân xanh mỏng rồi 10cm phân nâu. Trộn đều hỗn hợp, ủ sau 2 tuần thì bắt đầu tưới nước vào phân. Nhưng cần chú ý đừng làm ướt quá nhiều. Rồi trộn đều phân ủ lên. Tiếp tục thêm 1 lớp phân nâu vào cho đầy thùng chứa.
Lưu ý: Nếu nguyên liệu ủ khô nhiều thì sau mỗi lớp ủ cần tưới thêm nước, lượng nước (kể cả nước dùng hòa chế phẩm) khoảng 1 nửa ô doa đến 2 ô doa tùy thuộc vào nguyên liệu khô nhiều hay ít.
Sau khi ủ xong, ta che đậy đống ủ bằng bạt, bao tải dứa hoặc nilon. Để đảm bảo tốt hơn và tránh ánh sáng chiếu trực tiếp đống ủ nên che thêm tấm che bằng lá hoặc mái lợp. Vào mùa đông, cần phải che đậy kỹ để nhiệt độ đống ủ được duy trì ở mức 40 – 50oC.
Sau ủ 15-20 ngày nên đảo đống phân ủ. Đối với các loại nguyên liệu khó phân hủy như thân cây ngô, rơm rạ cứ sau 20 ngày đảo 1 lần.
Sau 30 ngày bạn thấy phân hữu cơ của mình có những đặc điểm sau thì có nghĩa phân ủ của bạn đã phân hủy hoàn toàn. Phân hữu cơ tự ủ có những đặc điểm như: Phân hữu cơ nhìn thấy chuyển sang màu nâu; Phân hữu cơ vụn ra và trông giống như mùn. Trong trường hợp nếu là mùn cưa, gỗ thì sẽ thành dạng hình sợi; Phân hữu cơ có mùi đất thì bạn bắt đầu đem đi bón cho cây.
Bón phân hữu cơ mà bạn đã ủ xung quanh gốc cây trong quá trình trồng cây
Bạn có thể trộn phân hữu cơ với đất trước khi gieo trồng.